Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Giúp con thành công phần 1



Đầu tiên em muốn gửi tặng các Anh/Chị một câu chuyện về giờ giảng văn câu chuyện cô bé Lọ Lem của một thày giáo. Có thể một số Anh/Chị đã biết đến câu chuyện này nhưng chúng ta hãy đọc và cùng phân tích xem qua câu chuyện này có giúp được gì cho con chúng ta không nhé
Thầy giáo bắt đầu giờ học văn bằng Chuyện Cô bé Lọ lem. Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.

Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?
Học sinh (HS): Thích Cô bé Lọ lem Cinderella ạ, và cả hoàng tử nữa. Không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.
Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?
HS:Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Eo ôi, trông kinh lắm!
Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy!
HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.
Thầy: Vì sao thế?
HS: Vì …vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.
Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi.
Bây giờ thầy hỏi một câu khác: Bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội?
HS: Vì có cô tiên giúp ạ, cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.
Thầy: Đúng, các em nói rất đúng! Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?
HS: Đúng ạ!
Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không ?
HS: Không ạ!
Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt.
Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không?
HS: Không ạ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.
Thầy: Đúng quá rồi! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử?
HS: Chính là Cinderella ạ.
Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cản trở Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào
HS: Phải biết yêu chính mình ạ!
Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không?
HS: Đúng ạ, đúng ạ!
Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không ?
HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.
Thầy: Trời ơi! Các em thật giỏi quá! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault, tác giả truyện Cô bé Lọ lem) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này trong số các em có ai muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem! Các em có tin như thế không?
Tất cả học sinh vỗ tay reo hò hoan hô.
Em chắc rằng hầu hết chúng ta sau khi đọc câu chuyện này sẽ cảm thấy rất thú vị và nhận thấy một cách dạy hoàn toàn khác biệt. Câu chuyện này hay vì thày giáo đã dạy cho học sinh một cách nhìn nhiều chiều về một vấn đề và dạy các em các giá trị trong đó.
Với bản thân em khi đọc xong câu chuyện này em cứ nghĩ liệu chính mình và các bố mẹ có luôn dạy con những cách nhìn nhiều chiều và cách tư duy sáng tạo như vậy không, hay là chúng ta thường áp đặt con nhiều hơn. Ví dụ có một tình huống giữa em và cậu con trai 5 tuổi như này:
Con: (khóc lóc mếu máo) mẹ ơi con không đi học đâu
Mẹ: sao con lại không muốn đi học?
Con: con không muốn đi học, con muốn ở nhà cơ
( Thông thường phản ứng của nhiều mẹ sẽ là quát con và nói nhiệm vụ của con là phải đi học, không được mè nheo…)
Trong trường hợp này em chọn giải pháp khác
Mẹ: vậy hôm nay mẹ và con trai tâm sự nhé. Con tâm sự với mẹ xem vì sao con không muốn đi học nào để mẹ xem có đúng không. Nếu đúng mẹ sẽ cho con nghỉ nhé
Con: con không muốn đi học vì cô giáo suốt ngày bắt con học các môn, con chẳng được chơi chút nào
Mẹ: vậy cô bắt con học những môn nào?
Con: ( như được trải lòng bắt đầu tuôn trào): buổi sáng học võ, xong rồi học vẽ, học hát, chiều cô lại bắt con học các chữ, số. Con chẳng được chơi xếp các hình con thích giống ở nhà
Mẹ: ( bắt đầu phân tích): con vẫn luôn thích học võ mà
Con: Nhưng thày cứ bắt con giơ tay như này, con mỏi tay chân lắm
Mẹ: thế còn học hát?
Con: học hát con mỏi mồm lắm
Mẹ: thế học chữ và số?
Con: con không thích học chữ và số, con chỉ thích chơi thôi
Mẹ: Vậy con có biết vì sao phải học những môn đó không? Vì học những môn đó sau này con mới trở thành nhà lãnh đạo tài ba và đi làm được nhiều việc như mẹ. Con có thấy những em bé mồ côi mà mẹ cho con đến thăm không? Các em ấy rất muốn đi học mà có được đi đâu
Con: Nhưng con không thích đi làm
Mẹ: vì sao con không thích đi làm? Con vẫn nói với mẹ sau này con đi làm con sẽ mua cho mẹ tất cả các thứ quảng cáo trên tivi như: dây chuyền, dầu gội đầu, cây lau nhà đa năng…mà
Con: Nhưng mà đi làm con mệt lắm
Mẹ: sao con lại nói thế?
Con: vì mẹ đi làm về ngày nào con cũng thấy mẹ mệt, mẹ nằm ngủ ngay trên ghế chẳng chịu chơi với con
Mẹ: (choáng váng)
Khi gạt bỏ thói quen muốn áp đặt con, em đã có thể hiểu con một cách sâu sắc hơn và hiểu vì sao con có những phản ứng như vậy. Ngay từ nhỏ em đã luôn “ gieo” vào tư tưởng con sẽ trở thành nhà lãnh đạo và luôn kết nối hình ảnh nhà lãnh đạo với những niềm vui sướng cho con. Nhưng khi con nhìn vào hình ảnh của em- cũng là một người chủ nhưng niềm vui con chưa thấy chỉ thấy mẹ hay mệt ( thời gian này mẹ hay mệt vì đang có bầu) và ngay lập tức công sức “gieo” của em có nguy cơ bị thất bại. Em đã phải thay đổi ngay cách làm việc của mình, xác định dành thời gian tổi cho con và chỉ làm việc sau khi con đã ngủ
Vấn đề ở đây em muốn chia sẻ là đôi khi chúng ta thường hay áp đặt con của chúng ta và ít chịu lắng nghe con chia sẻ. Em nghĩ chúng ta nên học cách lắng nghe con và biết đâu những phản ứng tiêu cực của con lại do chính bố mẹ gây ra. Quan trọng hơn hãy giúp các con có những cách tư duy nhiều chiều về một vấn đề
Tuần này em gửi tặng các Anh/Chị ebook “ Không gục ngã” nhé
Em rất mong nhận được sự chia sẻ của các Anh/Chị

--
Bui Thu Hien
CEO- VN Talent Development and Investment JSC.,
Add.: P403, 88 Tran Nhat Duat, Hoan Kiem, Hanoi
Mob.: 0983665508
Email: buithuhien@tainangviet.net/ haihiensea@gmail.com/ nguoibandonghanh.hien@gmail.com
Website: http://www.tainangviet.net
Blog: buithuhien.blogspot.com
Facebook: Bui Thu Hien

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét